Thực trạng hiện nay, trong xu thế phát triển của cách mạng KHCN, mạng xã hội (social networks) đã và đang trở nên phổ biến và ngày càng đi sâu vào cuộc sống con người. Nhiều hoạt động thường nhật của con người bị ảnh hưởng, chi phối bởi mạng xã hội.
Mạng xã hội là mô hình truyền thông mới nhất trong quá trình phát triển xã hội đương đại, làm đơn giản hoá các phương thức tương tác và kết nối giữa con người với nhau. các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Twitter… đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng phổ biến toàn cầu, thu hút đông đảo người dùng và thậm chí còn "gây nghiện" cho không ít người.
Theo công bố của We are Social và Hootsuite (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội, một dịch vụ quen thuộc với các blogger) về digital Việt Nam, tại Việt Nam, internet và mạng xã hội đang đà tăng tốc ngoạn mục, phát triển với tốc độ chóng mặt.
Năm 2018, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Hiện có 400 mạng xã hội được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó Facebook có khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng Facebook lớn nhất thế giới. Trong đó, lượng người đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau.
Về ứng xử văn hóa của giới trẻ trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận những điều tích cực mà mạng xã hội mang lại khi nó lan tỏa nhiều kiến thức giá trị, kết nối con người lại với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện. Thực tế đã chứng minh, nhiều hệ lụy đau lòng xảy ra trong cuộc sống, nhất là với giới trẻ từ thế giới ảo của mạng xã hội như bạo lực, tội phạm mạng, sức khỏe tâm thần…có thể ví, mạng xã hội như con dao hai lưỡi vừa tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống nhưng cũng làm hư hại những giá trị tốt đẹp vốn có nếu như người dùng sử dụng nó vì những mục đích xấu.
Nhận thấy được xu hướng sử dụng và “nghiện mạng xã hội” ngày càng gia tăng trong học sinh và những hậu quả của việc sử dụng mạng xã hội có thể gây ra, được sự nhất trí của BGH, tổ chuyên môn, chiều thứ 7 (Ngày 06/6/2020), đồng chí Lương Đức Vinh, giáo viên giảng dạy bộ môn GDCD đã thực hiện phổ biến chuyên đề: “ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA MẠNG XÃ HỘI (MXH ) ĐỐI VỚI HỌC SINH THPT” cho học sinh khối 11 trường THPT Tân Dân.Tới dự chuyên đề có các Thầy, cô giáo trong BGH, BCM, Tổ xã hội và đông đảo các em học sinh lớp 11 của nhà trường. Chuyên đề đã đánh giá tổng quát, toàn diện về thực trạng sử dụng MXH trong học sinh THPT, nêu bật được những tác động tích cực và hạn chế của MXH đến người dùng, từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị nhằm giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn và kỹ năng sử dụng MXH sao cho hiệu quả giúp ích cho việc học tập cũng như phục vụ vào những mục đích tốt đẹp của cuộc sống.
Chuyên đề đã thực hiện thành công về mặt giáo dục, có giá trị thực tiễn cao, tác động trực tiếp tới nhận thức và hành vi của học sinh, được BGH, BCM, các thầy cô giáo nhà trường đánh giá tốt, các em học sinh cảm thấy bổ ích khi được học tập chuyên đề, có thể tiếp tục phổ biến chuyên đề trong thời gian tiếp theo.